Nhận định về Văn – Tư – Tu là gì và các kiến thức cần biết

Nhận định về Văn – Tư – Tu là gì và các kiến thức cần biết là chủ đề trong bài viết hôm nay của Lichgo.vn. Theo dõi bài viết để biết nhé. Xu hướng đọc sách đang dần quay trở lại với chúng ta. Sau một thời gian dài sống trong thế giới số 0 và 1, dường như loài người cũng trở nên mệt mỏi và tìm lại bầu bạn với trang sách giấy, vừa để tìm lại khoảng không tĩnh lặng vừa để học thêm kiến thức mới.

Tôi thích đọc sách. Nhìn chung tôi thích học từ mọi kênh: sách giấy, sách điện tử, Youtube. Riêng sách giấy thư giãn hơn. Sách điện tử và youtube thì sẵn quá – cái gì dễ thì ít được trân trọng. Với sách giấy, tôi sẽ đi tới cửa hàng, nhẩn nha đi qua các quầy, đọc nhấm nhá vài trang, rồi mới quyết định chọn vài quyển mua về. Bản thân quá trình đi mua sách đã là một sự hưởng thụ.

van-tu-tu-la-gi

Sách mua về thì phải có chỗ để chứa. Nhiều quá thì cần dọn dẹp bớt. Việc đọc sách cũng lắm công phu. Sách hay thì thường to và nặng, nên khi đọc sách tốt nhất là nên ngồi đọc trên bàn để cơ thể không phải gánh trọng lượng của sách. Sách giấy không tự động “mở” đúng trang đang đọc dở, nên bạn phải có cách để đánh dấu mình đã đọc được tới đâu.

Ghi chú những đoạn hay của vào sách giấy cũng thú vị hơn là với sách điện tử. Các “notes” trong sách điện tử tuy dễ soạn nhưng thực tế ít người tận dụng chức năng này. Cảm giác khi đọc lại một quyển sách cũ tràn đầy notes tay của mình cũng khá đặc biệt. Đôi lúc có thể khiến người đọc bồi hồi nhớ lại những cảm xúc năm xưa của mình.

Tôi sẽ ngưng ở đây về thú vui đọc sách vì có nói thì chắc nói vài bài cũng không hết. Mục đích bài viết này không phải nhấn mạnh về việc đọc sách, mà tập trung vào việc tiếp thu kiến thức từ sách và vận dùng vào đời sống như thế nào. Đạo Phật chia việc học thành 3 giai đoạn rõ ràng.

1. Văn

Đọc (hoặc xem) là giai đoạn đầu tiên để lấy kiến thức – trong tiếng Hán Việt gọi là Văn. Vị A La Hán Ananda nổi tiếng – thị giả của Đức Phật – được gọi là bậc Đa “Văn” đệ nhất, nghĩa là người nhiều kiến thức nhất trong tăng đoàn.

Có thể hiểu Văn bao gồm 2 phần: đọc để có kiến thức và ghi nhớ những kiến thức này. Nếu đọc mà không nhớ thì cũng như gió lùa vào nhà trống rồi lại chui ra. Vì vậy để giỏi “Văn” cần biết ghi nhớ lại những kiến thức chính yếu của 1 cuốn sách.

Thuộc cả một cuốn sách thì gần như là việc không thể, nhưng tóm tắt các điểm quan trọng nhất thì không quá khó. Thực ra mỗi cuốn sách cũng sẽ chỉ có 1 vài ý lớn để mình phải ghi nhớ. Những tác giả giỏi sẽ có những ví dụ minh hoạ rất độc đáo. Toàn bộ kinh Phật được xây quanh mô hình đưa ra ý tưởng và sử dụng hình tượng minh hoạ để khắc sâu vào tâm trí người nghe. Vì vậy, bạn có thể ghi nhớ hình ảnh minh hoạ để thuộc ý chính của sách được dễ dàng hơn.

Văn chỉ là giai đoạn 1. Rất nhiều người thích đọc sách có xu hướng đọc sách vô tội vạ và dừng ở bước này: đắm chìm trong sự yêu thích thu thập kiến thức, và mắc sai lầm rằng đọc xong thì kiến thức là của mình. Thực tế, dù đọc và thuộc, thì kiến thức vẫn chỉ nằm ở mức da lông.

2. Tư

Tư nghĩa là nghĩ ngợi, suy nghĩ (về một vấn đề). Tư trong tư duy.

Sau khi ghi nhớ, học thuộc các ý chính, các bạn cần suy nghĩ sâu về các ý này với một vài cách tiếp cận tham khảo như sau.

Thứ nhất một ý hay đôi lúc quá cô đọng. Chúng ta cần đào sâu thêm để hiểu rõ hoặc diễn giải ý này trong các bối cảnh thường gặp. Ví dụ một ý tưởng cơ bản trong thiết kế là “less is more” – “Ít hơn thì hay hơn” – ý tưởng cần được chiêm nghiệm vào nhiều ví dụ cụ thể để hiểu rõ. Khi nào thì “less is more”. Như thế nào là “less”, như thế nào là “more”? Khi nào thì “less is more” không còn đúng nữa?

Thứ hai, một ý tưởng hay sẽ có nhiều cách áp dụng vào cuộc sống, chúng ta có thể tư duy thêm về những ứng dụng của ý tưởng học được. “Less is more” ngoài thiết kế có thể ứng dụng vào quy trình làm việc, lối sống, cách bài trí nhà cửa hay không?

Cuối cùng, nhiều khi một ý tưởng có nhiều tầng lớp nghĩa, có thể chúng ta mới nắm được lớp nghĩa nông nhất. Điều này đặc biệt đúng với các kiến thức triết lý trừu tượng hoặc những chiêm nghiệm về trời đất, về đạo của cổ nhân.

3. Tu

Tu, Tu Hành là từ thường gặp trong đạo Phật. Nghĩa đúng của nó là “sửa”. Trong phạm trù bài viết, ta có thể hiểu tu là thực hành. Kiến thức sau khi đã được ghi nhớ và chiêm nghiệm, vẫn là kiến thức chết. Chỉ thông qua trải nghiệm thực tế kiến thức mới trở thành kiến thức sống. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc tiếp thu kiến thức.

Khi chiêm nghiệm, chúng ta diễn giải kiến thức trong não của mình với những giả định lấy từ kinh nghiệm quá khứ. Nhiều khi chúng ta nghĩ mình đã sở đắc kiến thức này nhưng thực tế thì không phải như vậy. Nó giống như tập bơi trên cạn. Bạn có thể hiểu và thuộc lòng kiến thức về việc bơi như giữ thăng bằng, hít thở, cách vung tay, chân, nhưng khi xuống nước, bạn sẽ chìm ngay lập tức. Chỉ sau hàng giờ tập luyện bạn mới nắm được bí quyết nổi trên mặt nước, phối hợp cơ thể và dần dần biết bơi.

Trên thực tế Văn và Tư thường tốn ít thời gian. Tu mới là giai đoạn mất thời gian nhất và dễ gây nản lòng. Vạn sự khởi đầu nan. Đừng đặt kỳ vọng khi áp dụng những kiến thức mới vào cuộc sống ở những bước sơ khởi. Chắc chắn bạn sẽ gặp khó khăn hoặc thất bại.

Để rút ngắn quá trình “Tu”, tôi có vài bí quyết chia sẻ với bạn. Đầu tiên, quá trình này đòi hỏi sự lặp lại nhiều lần để hoàn thiện “muscle memory”. Đôi lúc chỉ bằng cách lặp lại nhiều lần bạn mới sở hữu được kiến thức hoặc kỹ năng mong muốn. Vì vậy hãy sẵn sàng về mặt tâm lý. Điều này sẽ tránh cho bạn việc bỏ cuộc giữa chừng.

Trong quá trình lặp lại, hãy cố thay một đổi biến số hoặc thử nghiệm một điều gì mới ở lần lặp lại sau. Như Eistein đã nói, đừng hy vọng kết quả khác đi nếu chỉ lặp đi lặp lại một hành động – điều đó thật… ngốc nghếch. Hãy luôn đẩy xa giới hạn, thử nghiệm điều mới trong quá trình vận hành, đó là cách Tu nhanh và hiệu quả nhất. Nếu được, chịu khó ghi chú để dễ nhận biết biến số nào tạo nên sự khác biệt.

Khi bạn gặp bình cảnh – không có tiến bộ rõ rệt dù đã thực tập lâu dài. Hãy dừng lại. Thường thì sau một giấc ngủ hoặc 1 giai đoan nghỉ ngơi, “tự nhiên” đáp án sẽ hiển lộ. Đó là vì tiềm thức của bạn vẫn luôn hoạt động khi nghỉ ngơi, và trong lúc trí thức không hoạt động, tiềm thức sẽ hoạt động mạnh nhất để giúp giải quyết vấn đề.

Bài này hơi dài nhưng tôi hy vọng bạn có thời gian để đọc hết. Đây là những điều tôi rất tâm huyết trong một cuộc đời học hành của mình. Tôi đã cố đúc kết ngắn gọn nhưng có lẽ vẫn làm chưa tốt lắm. Chúc bạn sở hữu được bất kỳ kiến thức nào mà mình ao ước và luôn giữ được niềm vui khi học và hành.