Jump scare (hay jumpscare) là một kỹ thuật thường được sử dụng trong những bộ phim kinh dị, nhà ma, trò chơi video, và Screamers Internet, nhằm hù dọa khán giả bằng cách làm cho họ ngạc nhiên với sự thay đổi đột ngột trong hình ảnh hoặc sự kiện, thường xảy ra đồng thời với một âm thanh đáng sợ, chủ yếu là tiếng la hét lớn.
Được sử dụng phổ biến trong các bộ phim từ những năm 1980, Jump scare được mô tả là “một trong những yếu tố cơ bản của phim kinh dị”. Jump scare có thể khiến người xem ngạc nhiên khi xuất hiện tại một điểm trong phim nơi nhạc phim yên tĩnh và người xem không mong đợi bất cứ điều gì đáng báo động xảy ra, hoặc có thể là sự trả giá đột ngột cho một thời gian dài hồi hộp.
Một số nhà phê bình đã mô tả Jumpscare như một cách để người xem có cảm giác lo sợ, họ tin rằng thể loại kinh dị đã trải qua một sự suy giảm trong những năm gần đây sau khi quá phụ thuộc vào các ngụ ý, thiết lập nó như một lời sáo rỗng của bộ phim kinh dị hiện đại.
Jumpscare là gì?
Jumpscare là một thuật ngữ thường được sử dụng trong những bộ phim hay game kinh dị. Từ “nhảy sợ” này có nghĩa là nhằm hù dọa khán giả hay người chơi bằng cách làm cho họ ngạc nhiên với sự thay đổi đột ngột trong hình ảnh hoặc sự kiện. Jumpscare thường xảy ra đồng thời với một âm thanh đáng sợ, chủ yếu là tiếng la hét lớn.
Top game Jumpscare bạn nên thử
DreadOut
Trong DreadOut, người chơi nhập vai cô nữ sinh trung học Linda. Trò chơi mở đầu với phân đoạn nhân vật chính tỉnh dậy giữa một khu nhà hoang phế, khắp nơi không một bóng người. Bạn sẽ cùng nhân vật tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra ở đây để tiếp nối vào sự kiện chính của trải nghiệm. Nội dung game khá hấp dẫn với chất liệu hình ảnh mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Indonesia như Ghost Parade, nhưng đáng sợ hơn rất nhiều.
DreadOut mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn căng thẳng và vô cùng “quyến rũ” với những ai yêu thích thể loại game dễ bị “nhồi máu cơ tim” này, đặc biệt là các bạn từng một thời yêu thích những cái tên kinh điển của ngày xưa như series Silent Hill hay Fatal Frame.
DreadOut 2
DreadOut 2 là phần tiếp theo của tựa game kinh dị sinh tồn cùng tên, với quy mô lớn hơn và nhiều cải thiện đáng chú ý so với phần chơi đầu tiên trong series DreadOut.
Trong DreadOut 2, nhà phát triển Digital Happiness đưa người chơi tiếp nối câu chuyện còn dang dở trong phần đầu. Tuy nhiên, nếu chưa từng chơi DreadOut, bạn cũng không cần phải lo lắng vì game có hẳn chuyên mục Story Before để tóm tắt lại toàn bộ nội dung đã diễn ra.
DreadOut 2 mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động kinh dị khá hấp dẫn với cơ chế gameplay đa dạng, mở rộng và nhiều cải tiến đáng chú ý so với người tiền nhiệm.
Curse of Anabelle
Curse of Anabelle là tựa game kinh dị thiên về câu chuyện kể, kết hợp với không khí rùng rợn và một chút yếu tố giải đố để mang đến cảm giác trải nghiệm nhuốm đầy màu sắc tâm linh.
Curse of Anabelle là câu chuyện về nhân vật Nathan, còn Anabelle chỉ là một nhân tố trong câu chuyện kể của trò chơi. Nói rõ hơn, tên của nhân vật nữ nói trên không liên quan gì đến búp bê Annabelle trong series phim kinh dị cùng tên. Phim này càng chẳng có dính dáng gì với trải nghiệm game.
Mọi chuyện trong game bắt đầu khi Nathan nhận được lá thư từ cô bạn gái cũ Emily và làm một cuộc điều tra. Thế nhưng, một diễn biến bất ngờ đã xảy ra trong quá trình tìm kiếm Emily, khiến cuộc phiêu lưu của Nathan trở nên “lành ít dữ nhiều”. Bạn sẽ là người giúp nhân vật giải quyết mớ rắc rối đó. Hết hồn chưa?
Detention
Detention là tựa game kinh dị tâm lý đầy căng thẳng khi kết hợp nhiều yếu tố tâm linh dựa trên văn hóa và thần thoại Đài Loan với lối chơi đi cảnh 2D.
Detention lấy bối cảnh trường trung học phổ thông Thúy Hoa (Greenwood Highschool) trong giai đoạn thiết quân luật kéo dài gần 40 năm ở Đài Loan. Thời điểm trong game vào những năm 1960 và mở đầu với nam sinh Ngụy Trọng Đình (Wei Chung Ting).
Tuy nhiên, đây chỉ là nhân vật làm nền cho câu chuyện mà bạn sẽ dần khám phá. Không lâu sau đó, người chơi sẽ được chuyển sang điều khiển nữ sinh Phương Nhuế Hân (Fang Ray Shin) trong suốt trải nghiệm. Đây cũng là nhân vật chính của trò chơi.
Detention mang đến một trải nghiệm kinh dị để lại cảm giác khá nặng nề, căng thẳng với câu chuyện kể kinh hoàng và ám ảnh. Nếu muốn tìm cảm giác “đau tim” với thể loại này trong thời lượng chơi ngắn, đây chắc chắn là cái tên rất đáng cân nhắc.
Song of Horror
Song of Horror có màn “chào sân” bằng Episode 1 và 2 gây nhiều tiếng vang.
Nội dung khá hấp dẫn được chia thành nhiều episode khác nhau, khiến trải nghiệm gián đoạn quá lâu sẽ giảm đi sự hào hứng rất nhiều. Ở góc độ người chơi, đây là một trong những tựa game kinh dị hiếm hoi vẫn giữ được cảm giác căng thẳng thường trực, dễ khiến bạn “vỡ tim” trong trải nghiệm và chắc chắn không dành cho những ai yếu bóng vía.
Paper Dolls Original
Paper Dolls Original là tựa game phiêu lưu kinh dị mang màu sắc tâm linh phương Đông với trải nghiệm ở góc nhìn thứ nhất. Tuy trò chơi đã phát hành trên nhiều nền tảng khác, nhưng chỉ đến khi bản Nintendo Switch ra mắt thì tôi mới có cơ hội trải nghiệm tựa game này.
Paper Dolls Original có vẻ như là phần chơi đầu tiên trong series game kinh dị của một nhà phát triển mà tôi nghĩ đóng đô ở Bắc Kinh. Trò chơi mở đầu bằng câu chuyện một người cha lái xe đưa con gái đi gặp mẹ bé. Thế nhưng, trên đường đi thì chiếc xe gặp tai nạn và mọi thứ sau đó dường như chẳng liên quan gì đến nội dung ban đầu.
Nhân vật của người chơi tỉnh giấc giữa một ngôi nhà hoang phế, nhưng không có đứa bé nào cả ngoài một xác người nằm gục bên cạnh. Điều gì đã xảy ra và ngôi nhà này ẩn chứa bí ẩn gì là điều mà bạn sẽ phải khám phá trong suốt trải nghiệm.
The Coma: Recut
The Coma: Recut là phiên bản remaster của tựa game kinh dị sinh tồn The Coma: Cutting Glass lấy đề tài về học đường.
Trong Coma: Recut, người chơi sẽ điều khiển nhân vật Youngho, một học sinh cấp ba của trường THPT Sehwa đang trong mùa thi cử đầy áp lực. Câu chuyện mở đầu với đầy đủ những vấn nạn mùa thi của Hàn Quốc khiến người chơi cũng cảm thấy chút rùng mình.
Thế nhưng khi vào phòng thi, một tình tiết bất ngờ diễn ra và khi tỉnh dậy, nhân vật chính giật mình nhận ra không gian trường học quen thuộc xung quanh có gì đó sai sai. Sau khi đụng độ với cô giáo chủ nhiệm, bạn nhận ra điều bất thường đã xảy ra và không còn cách nào khác là bắt đầu một “cuộc chiến sinh tồn” cho bản thân và khám phá bí mật đằng sau đó.
The Coma 2: Vicious Sisters
The Coma 2: Vicious Sisters tuy là phần tiếp theo của tựa game kinh dị sinh tồn The Coma: Recut do có cùng bối cảnh, nhưng tuyến nội dung được xây dựng mới và đi kèm với một số cải tiến gameplay.
The Coma 2: Vicious Sisters kế thừa khá nhiều mặt mạnh trong thiết kế gameplay của phần chơi trước, kết hợp với việc mở rộng quy mô ở nhiều khía cạnh. Điểm cộng đầu tiên của trò chơi là tính thân thiện với người chơi mới, những ai vốn chưa từng trải nghiệm bản remaster The Coma: Recut hay thậm chí phiên bản gốc The Coma: Cutting Glass.
Bạn không nhất thiết phải trải qua “cơn đau tim” trong phần chơi trước để hiểu rõ nội dung trước khi trải nghiệm phần chơi mới này. Thay vào đó, trò chơi sẽ có những đoạn hồi tưởng nhanh các sự kiện trước đó, giúp người chơi dù mới hay cũ của series cũng dễ dàng tiếp cận.
Silver Chains
Silver Chains là tựa game kinh dị tâm lý được xây dựng khá bài bản trong thiết kế đặc trưng của thể loại này, nhưng tùy vào thâm niên “chạy đi chờ chi” với thể loại này mà một số vấn đề của trò chơi có thể khiến trải nghiệm không như kỳ vọng.
Silver Chains đưa người chơi đến với nhân vật Peter sau một vụ đâm xe vào gốc cây mà bạn không được giải thích rõ nguyên nhân của vụ việc. Đầu óc choáng váng sau va chạm, nhân vật gục ngã trước một tòa nhà hoang vắng giữa nơi đồng hoang hiu quạnh và tỉnh dậy trong một khung cảnh xa lạ, hoàn toàn không nhớ chuyện gì cả.
Đây là một mô típ nội dung rất quen thuộc của thể loại này mà những cái tên như Dark Descent, A Machine for Pigs và Justine trong series Amnesia đã khai thác rất tốt. Cuộc khám phá ngôi nhà để đi đến tận cùng của sự thật bắt đầu.
White Day: A Labyrinth Named School
White Day: A Labyrinth Named School là game kinh dị sinh tồn xuất xứ từ đất nước kim chi. Trò chơi được “đập đi xây lại” hai lần với hướng đi khác nhau. Lần đầu là dành riêng cho nền tảng di động với đồ họa 3D được thay bằng hình tĩnh 2D.
Lần thứ hai là chuyển sang công nghệ 3D hoàn toàn cho toàn bộ trải nghiệm và được phát hành trên nhiều nền tảng khác nhau. Đây cũng là phiên bản được đề cập trong bài.
White Day: A Labyrinth Named School bản làm lại thứ hai đưa người chơi nhập vai cậu học sinh cấp ba Lee Hui-min vừa chuyển đến trường trung học phổ thông Yeondu nhiều ẩn khuất. Ban đầu, diễn biến nội dung giống như truyện ngôn tình khi nhân vật chính “crush” cô bạn học Han So-young.
Cậu lẻn vào trường và dự tính dùng quyển nhật ký bỏ quên của cô làm lý do gặp gỡ và tỏ tình vào ngày White Day. Tuy nhiên, cơ hội tỏ tình đâu chưa thấy, chỉ thấy ma và quái vật cùng ông bảo vệ xuất hiện, rượt chạy trối chết.
Perception
Perception lấy nội dung từ những sự kiện có thật. Trò chơi đưa bạn vào vai Cassie, một cô gái mù liên tục gặp những cơn ác mộng. Để tìm hiểu mối liên quan, nhân vật tìm đến một ngôi nhà trong giấc mơ, khám phá bí mật ẩn giấu ở nơi đây.
Đồ họa chủ yếu là đơn sắc với những những mảng màu xanh ngả xám. Cái không gian mà Perception tạo nên ban đầu khá rùng rợn, khác lạ và thật sự khó đoán. Nhưng chỉ sau khoảng độ chục phút, tôi chợt nhận ra toàn bộ trải nghiệm sẽ chỉ xoay quanh trong những hình ảnh mù mờ như thế và cảm thấy có đôi chút thất vọng.
Hay nói một cách khác, bạn sẽ chỉ mãi mò mẫm trong bóng tối để tìm đường đi để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ nào đó, và tất cả cũng chỉ có thế.
Yomawari: Midnight Shadows
Sau thành công của Night Alone, series game Yomawari lại tiếp tục đón nhận phần chơi mới Midnight Shadows. Tuy nhiên, dù chung series nhưng đây là hai tựa game hoàn toàn khác nhau về nội dung và cốt truyện, thậm chí không có sự nối tiếp nhau về mặt nội dung ngoại trừ một “món quà nho nhỏ” mà nhà phát triển cố ý để dành sau khi bạn đã hoàn tất trò chơi.
Nếu như tựa game khiến bạn thắc mắc thì Yomawari là một sinh vật bí ẩn thường chỉ xuất hiện vào ban đêm. Người ta nói rằng mỗi khi nó tìm thấy một bé gái nào lang thang lúc nửa đêm, nó sẽ bắt đầu theo dõi bé gái đó rồi bắt cóc bỏ vào một chiếc túi mà nó luôn mang theo.
Đây nhân vật mang tính biểu tượng của series game cùng tên, mang hình dạng như một con sên đen thui với một mắt nhắm cùng nhiều xúc tu trên cơ thể. Nhưng bạn đừng “bé cái nhầm”, vì Yomawari có khả năng cảm nhận rất rõ mọi thứ xung quanh và nhiều lúc trở nên nguy hiểm vô cùng, dù cũng có khi khá tốt bụng không biết đường nào mà lần.
Ghost: Parade
Ghost Parade là sản phẩm đầu tay của nhà phát triển Lentera Studio đến từ Indonesia, với lối chơi đi cảnh màn hình ngang trong nền đồ họa dễ thương và câu chuyện kể đáng yêu với đề tài bảo vệ môi trường.
Nhân vật chính trong Ghost Parade là Suri. Trong một lần đi học về bị trễ xe buýt, cô bé buộc lòng phải “đi bụi” khi không may lạc vào khu rừng ma quái. Ở đó có rất nhiều sinh vật trông hiền lành nhưng lại rất đáng sợ, trong khi những con ma tưởng đáng sợ nhưng lại rất đáng yêu. Phần lớn trải nghiệm xoay quanh yếu tố đi cảnh màn hình ngang với thiết kế game có phần hơi thiên về kiểu “old-school”, đòi hỏi người chơi tự bỏ công sức trải nghiệm khám phá hơn là như những tựa game hiện đại trên thị trường hiện nay với bản đồ “cầm tay chỉ đường”.